Tên đăng nhập: Mật khẩu: Đăng ký || Quên mật khẩu
Lê Nhật Bảo's forum

Tư vấn pháp lý

TƯ VẤN PHÁP LÝ CHUYÊN NGHIỆP 24/24 LIÊN HỆ: 01688793966 MR. Lê Nhật Bảo.

You are not connected. Please login or register

Go downMessage [Page 1 of 1]

Sat Apr 14, 2012 8:00 pm
Admin
Admin

Tình huống: “Khoảng 19 giờ 30 ngày 20/06/2005, K (sinh năm 1987) đạp xe đạp đi chơi cùng nhóm bạn là Q (sinh năm 1988) và H (sinh năm 1989). Lúc 9 giờ tối, cả nhóm cùng đạp xe đến cây xăng thuộc phường Y thị xã U thì va chạm với 3 thanh niên khác đi xe ngược chiều. Sau khi to tiếng và cãi vã, hai bên bỏ đi. Đi một đoạn, K rủ cả nhóm quay lại trở lại đuổi đánh ba thanh niên kia. Khi quay trở lại, họ thấy có 2 thanh niên M và N đang chở nhau trên một chiếc xe đạp. Cho rằng đây là số thanh niên vừa mới va chạm với mình, nên cả ba đã lao vào rượt đuổi 2 thanh niên đang đi trên xe đạp. M và N tưởng là cướp nên bỏ lại xe chạy thoát thân. Thấy M và N bỏ chạy để lại xe, K, Q và H liền lấy xe bán được 2400000đ chia nhau, mỗi người 800000đ. Hãy định tội cho K, Q và H.”


Tình huống trên cũng đã nêu ra ba hướng về việc định tội đối với K, Q, H, và các hướng định tội ấy cũng chính là các quan điểm khác nhau của các Luật gia đối với vụ việc tương tự trong thực tiền. Các quan điểm ấy là: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội trộm cắp tài sản. Tôi không đồng tình với cả ba quan điểm này. Đã từng nghiên cứu Luật Hình Sự, đã từng được nghe các thầy cô nêu ra hướng giải quyết, tuy nhiên tôi vẫn chưa đồng ý với hướng giải quyết ấy, và hôm nay tôi xin được nêu ra vài quan điểm của cá nhân đối với tình huống này. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích tôi sẽ không nêu lại các yếu tố cấu thành của các tội này nữa, vì nó đã được nêu khá nhiều trong giáo trình, mà tôi chỉ đề cập đến các dấu hiệu riêng biệt để tạo nên sự khác biệt giữa các tội danh này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi trên của K, Q, H đã đủ yếu tố cấu thành “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Tuy Điều 137 BLHS không quy định như thế nào là “công nhiên chiếm đoạt tài sản”, nhưng qua thực tiễn xét xử có thể hiểu “công nhiên chiếm đoạt tài sản là khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác trong điều kiện người quản lý tài sản hoặc người chủ sở hữu về tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội”. Như vậy, với khái niệm này thì một hành vi sẽ được xem là công nhiên chiếm đoạt tài sản nếu có đủ hai yếu tố là: hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội được thực hiện khi người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội và người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Dấu hiệu “công khai” ở đây cũng giống như dấu hiệu công khai trong “tội cướp giật tài sản”, dấu hiệu này thể hiện trong ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội biết hành vi chiếm đoạt có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che dấu nó. Cần lưu ý là dấu hiệu “công khai” ở đây là công khai đối với người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản, người phạm tội không cần có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản vì tuy có thấy được hành vi chiếm đoạt này nhưng người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản đang rơi vào hoàn cảnh không có điều kiện để ngăn cản. Nếu như, người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản không thấy được hành vi chiếm đoạt khi nó đang diễn ra, thì tôi cho rằng hành vi ấy sẽ không được xem là hành vi “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Đối với “hoàn cảnh khách quan” trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng hoàn cảnh này do đâu mà có, do sơ xuất của chủ tài sản gây ra cho chính bản thân mình, hay do người khác gây ra…và liệu hoàn cảnh khách quan này có thể do chính người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản gây ra không ? Tôi cho rằng hoàn cảnh khách quan này có thể do chính người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản gây ra, nhưng trước khi tạo ra hoàn cảnh ấy người phạm tội chưa nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.. Xin được lấy một ví dụ minh họa như sau: A đang điều khiển xe máy trên quốc lộ, B do chạy nhanh nên không kiểm soát được tay lái nên đã tông vào A, khiến cho A bị ngã gãy chân, xe máy của A văng ra, còn xe của B thì hư hỏng nặng, thấy thế B nảy sinh ý định chiếm đoạt và đi tới dắt xe của A đi trước sự chứng kiến của A. Với tình huống này, chúng ta thấy rằng B đã công khai hành vi chiếm đoạt xe máy của A trước sự chứ kiến của A, và B cũng chẳng cần phải nghĩ ra cách nào đối phó khi bị A phát hiện vì A đã bị té gãy chân sẽ không có điều kiện ngăn cản.
Vì luật chưa quy định rõ ràng hoàn cảnh khách quan này do “ai” gây ra thì mới được xem là hoàn cảnh khách quan trong “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản”, hay nói cách khác, hoàn cảnh ấy có bắt buộc phải nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội hay không, nên chúng ta có quyền suy luận là hoàn cảnh này có thể do chính người phạm tội gây ra nhưng trước khi tạo ra hoàn cảnh ấy người phạm tội chưa nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, nếu ý đinh chiếm đoạt tài sản làm mục đích cho việc tạo ra hoàn cảnh ấy thì rất có thể sẽ cấu thành “tội cướp tài sản”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS thì mức tối đa là mười năm tù, theo quy định tại khoản 1 Điều 137 BLHS thì mức tối đa là ba năm tù. So sánh hai mức hình phạt tối đa của hai tội danh ở khung cơ bản thì có sự chênh lệch đến bảy năm tù. Sự chênh lệch này xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Vấn đề đặt ra trong hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền là bằng cách nào xác định được ý chí chủ quan của người phạm tội đối với hoàn cảnh khách quan đó. Đây hoàn toàn là một công việc không hề dễ dàng. Nếu xác định sai thì dẫn tới xác định sai tội danh và trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu có sự chênh lệch rất lớn.
Quay lại với tình huống đã nêu ra. K, Q, H nhầm tưởng M và N là số thanh niên vừa mới va chạm với mình, nên cả ba đã lao vào rượt đuổi hai thanh niên đang đi trên xe đạp, M và N tưởng là cướp nên bỏ lại xe chạy thoát thân. Bằng hành vi rượt đuổi – đe dọa dung vũ lực ngay tức khắc, K, Q, H đã làm cho M và N sợ mà bỏ xe đạp chạy thoát thân, thấy M và N bỏ chạy để lại xe, K, Q và H liền lấy xe. Nhầm lẫn về đối tượng tác động thuộc trong ý chí chủ quan của người phạm tội vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, còn nhầm lẫn do ý chí chủ quan của nạn nhân trong tình huống này sẽ không được dùng làm căn cứ để định tội. Trong tình huống này, M và N tưởng nhầm là cướp, đây là sự nhầm lẫn trong ý chí chủ quan của M và N – nạn nhân, sự nhầm lẫn này không phải là căn cứ để xem xét khi định tội danh. Nhưng vì hành vi rượt đuổi của K, Q, H mà làm cho M và N để lại xe đạp bỏ chạy, lợi dụng xe đạp bị bỏ lại, ba tên này đã chiếm đoạt. Vấn đề đặt ra là hoàn cảnh mà K, Q, H chiếm đoạt xe đạp có được xem là hoàn cảnh khách quan làm cho chủ tài sản không có điều kiện để ngăn cản hành vi chiếm đoạt hay không. Như đã phân tích ở trên, thì hoàn cảnh khách quan trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có thể do chính người phạm tội gây ra nhưng trước khi gây ra hoàn cảnh ấy người phạm tội chưa nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Thế thì với tình huống này, trước khi gây ra hoàn cảnh khách quan làm cho chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản sự chiếm đoạt ấy, K, Q, H đã chưa có ý định chiếm đoạt tài sản, mà sau khi rượt đuổi M và N, và thấy xe đạp bị bỏ lại chúng mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản đòi hỏi phải có dấu hiệu công khai, công khai ở đây là công khai đối với chủ tài sản, tức là chủ tài sản thấy được hành vi chiếm đoạt ấy, còn nếu chủ tài sản không thấy được hành vi chiếm đoạt ấy thì không đủ yếu tố cấu thành tội này. Tình huống không nêu rõ là M và N có thấy được hành vi chiếm đoạt xe đạp của K, Q, H hay không, khi bỏ xe đạp chạy thoát thân, rất có thể M và N quay lưng lại đối với ba tên này mà cắm đầu chạy nên không có điều kiện để thấy được sự chiếm đoạt của K, Q, H. Mặc dù có thể trong ý thức chủ quan của M và N đều cho rằng sau khi mình bỏ chạy thì chắc chắn chúng sẽ chiếm đoạt xe đạp, nhưng đấy không phải là căn cứ để xác định là M và N có “bị” sự công khai của K, Q, H tác động tới hay không. Vì thế, tôi cho rằng không đủ căn cứ để định “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” đối với K, Q, H.
Phải chăng nên bổ sung thêm một tình tiết như sau thì sẽ dễ dàng hơn trong việc định “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản”: Sau khi chạy được một đoạn đường, M và N thấy ba tên này không đuổi theo nữa nên đã dừng lại và nhìn về nơi mà mình đã bỏ lại chiếc xe đạp. Lúc đó M và N đều thấy K, Q và H đang leo lên chiếc xe đạp của mình đi mất, thấy xe đạp của mình bị “chôm” thì M và N rất tiếc và muốn “giành” lại, nhưng vì khoảng cách từ nơi mà M và N đang đứng quá xa so với K, Q và H nên hai người này không thể chạy đến và ngăn cản hành vi chiếm đoạt của ba tên này.
Quan điểm thứ hai cho rằng K, Q, H đã phạm “tội cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS.
Cướp tài sản là hành vi dung vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Khách thể của tội cướp tài sản đồng thời xâm hại hai quan hệ được Luật Hình sự bảo vệ là quan hệ nhân thân và quan hệ sỡ hữu. Hành vi trong tội này, thường tồn tại dưới dạng: dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác nhằm làm tê liệt hoặc đè bẹp sự chống cự của người này), đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (là hành vi dùng lời nói hoặc cử chỉ dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc khiến người bị hại tê liệt ý chí), hành vi khác làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong định tội danh. Nếu việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hành vi khác mà không có mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ không cấu thành “tội cướp tài sản”, mà có thể cấu thành các tội danh khác.
Với quy định “ người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”, cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” chúng ta có thể hiểu rằng mục đích chiếm đoạt phải xuất hiện trước khi thực hiện các hành vi nêu trên, hay khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội đã có ý định chiếm đoạt tài sản. Tuần tự của tội cướp tài sản có thể được diễn tả như sau: hình thành mục đích chiếm đoạt tài sản, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, chiếm đoạt tài sản. Sẽ rất khập khiễng khi nói rằng mục đích chiếm đoạt xuất hiện vào thời điểm nào không quan trọng, miễn là có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được và chiếm đoạt tài sản, tôi cho rằng nếu nói như thế thì đã không phản ánh được bản chất của tội cướp tài sản. Một con người bình thường, khi thực hiện bất kì một hành vi nào, “anh” ấy cũng bị chi phối bởi các yếu tố bên trong thuộc về mặt chủ quan, đó là động cơ, mục đích thúc đẩy “anh” thực hiện một hành vi nhất định. Và khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý thì bản thân cá nhân đó có sự nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Mục đích của hình phạt là không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Phải “trừng trị” các mục đích, động cơ không lành mạnh, trái chuẩn mực chung của pháp luật, của xã hội thì mới phần nào cải tạo được người phạm tội. Nếu chúng ta không xác định chính xác mục đích, động cơ của người phạm tội khi họ thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ khó lòng cải tạo được người phạm tội.
Đối với “tội cướp tài sản”, mục đích chiếm đoạt tài sản phải là cái tiền đề để “anh” thực hiện những hành vi tiếp theo, vì các hành vi đó phản ảnh ý chí chủ quan của “anh”, không thể có chuyện “nghĩ một đằng làm một nẻo” trong ý thức của một người bình thường được, hành vi khách quan biểu hiện ra thế giới khách quan của con người luôn là kết quả của suy nghĩ, nhận thức của con người đó, chúng có mối quan hệ khăn khít, biện chứng. Nếu chỉ vì muốn định tội cho bằng được đối với một hành vi mà chúng ta lơ là trong việc xác định ý chí chủ quan của một cá nhân thì chúng ta đã cố tình làm trái mục đích của hình phạt được Luật Hình sự quy định. Đồng ý là việc xác định ý chí chủ quan của một người không phải là dễ, trong nhiều trường hợp là không thể, và vì thế một trong các nguyên tắc quan trọng được Luật Tố tụng hình sự đề cập đến là nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo. Khi các cơ quan có thẩm quyền không xác định được yếu tố bất lợi cho bị can, bị cáo thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Quy định này nhằm một mặt bảo vệ tối đa quyền và lợi ích cho bị can, bị cáo, mặc khác hạn chế tình trạng lạm quyền “làm ẩu” của các cơ quan chức năng.
Nhưng việc làm thế nào để xác định mục đích chiếm đoạt tài sản trong tội cướp tài sản xuất hiện vào lúc nào tôi xin không được đề cập tới, mà mặc nhiên tôi xem rằng tình huống trên đã nêu rõ mục đích chiếm đoạt xuất hiện sau khi M và N bỏ xe đạp chạy thoát thân. Và vì thế sẽ không hợp pháp nếu cho rằng K, Q, H phạm tội cướp tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS thì mục đích của việc thực hiện các hành vi được nêu trong khoản 1 Điều 133 BLHS là mục đích chiếm đoạt tài sản, đây là dấu hiệu định tội.
Trong tình huống này, việc K, Q, H đã thực hiện hành đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc – rượt đuổi đánh, với việc thực hiện hành vi này đã làm cho M và N sợ - tê liệt sự phản kháng mà bỏ xe đạp chạy thoát thân, nhưng bản chất của của hành vi rượt đuổi đánh này không phải là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà là do nhầm tưởng nhóm thanh niên lúc đầu đã gây sự với mình. Sau khi thấy xe đạp do M và N để lại ba tên này mới chiếm đoạt – tức ý định chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi M và N bỏ xe đạp chạy thoát thân, xuất hiện sau hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Hai hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và hành vi chiếm đoạt tài sản có quan hệ khăn khít nhau, việc chiếm đoạt được tài sản là do M và N bỏ xe chạy thoát thân, là kết quả của hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nhưng ở đây không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với mục đích chiếm đoạt tài sản sau khi thực hiện hành vi trên. Có thể chia tình huống này thành hai giai đoạn như sau: giai đoạn thứ nhất là từ lúc K, Q và H thấy M và N cho tới khi M và N bỏ chạy vì tưởng ba tên này là cướp; giai đoạn hai là từ lúc thấy M và N bỏ chạy cho tới khi K, Q và H chiếm đoạt xe đạp. Hai giai đoạn này theo tôi đã khác nhau về bản chất, giai đoạn một – đối tượng tác động chỉ là sức khỏe, tính mạng (theo mục đích và hành vi rượt đuổi của K, Q và H), giai đoạn hai – đối tượng tác động là tài sản (thể hiện thông qua mục đích và hành vi của K, Q và H). Rõ ràng là mục đích và hành vi của K, Q và H trong hai giai đoạn này độc lập.
Nếu cố gắng truy cứu theo tội danh cướp tài sản thì tôi cho rằng không phù hợp. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là phải xác minh được mục đích của người phạm tội, nếu xác định không được thì phải giải quyết theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, chứ trách nhiệm chứng minh không phải của bị can, bị cáo.
Tôi không đồng tính với ý kiến cho rằng định “tội cướp tài sản” cho K, Q, H.
Quan điểm thứ ba cho rằng K, Q, H phạm tội “trộm cắp tài sản.”
Ở đây tôi sẽ không phân tích lại bốn yếu tố cấu thành tội phạm nữa, mà chỉ nêu lên một số vấn đề chính có liên quan đến tình huống này.
Điều 138 BLHS không mô tả những dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu “Trộm cắp tài sản” có dấu hiệu hành vi khách quan “Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Đặc điểm riêng biệt của tội “Trộm cắp tài sản” là hành vi “lén lút”, không có việc lén lút thì không phải là trộm cắp. Nếu một hành vi chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản thì không thể coi đó là hành vi trộm cắp, mà hành vi trộm cắp phải được thực hiện một cách lén lút, vụng trộm đối với chủ tài sản. Lén lút, vụng trộm ở đây là trong ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng chủ tài sản không biết được mình đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản trong hoàn cảnh không có mặt chủ tài sản tại nơi có tài sản.
Tình huống không nêu rõ, khi K, Q, H thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì M và N có nhìn thấy hành vi đó hay không. Nếu M và N thấy được hành vi ấy thì rõ ràng là không thể xem hành vi của K, Q, H là hành vi trộm cắp tài sản được. Nếu M và N không thấy được hành vi chiếm đoạt của K, Q, H thì mới có sở để cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng không đủ cơ sở để định một trong ba tội danh “công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “cướp tài sản” và “trộm cắp tài sản”.
Vì thế tôi xin được phép nêu thêm một số giả thuyết mới để có cơ sở định tội danh trong tình huống này.
- Trong lúc đang chạy, M và N ngoái đầu nhìn lại thì thấy K, Q, H đang chiếm đoạt xe đạp, nhưng vẫn “mặc kệ” và bỏ chạy tiếp (vì M và N đang rất sợ ba tên này). Hành vi này của K, Q, H đã cấu thành tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” – chiếm đoạt tài sản của người khác trong điều kiện người quản lý tài sản hoặc người chủ sở hữu về tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
- Vì quá sợ ba tên này, M và N đã cắm đầu chạy mà không nhìn thấy nhìn gì mà K, Q, H đang thực hiện. Chiếm đoạt tài sản trong hoàn cảnh không có mặt chủ tài sản tại nơi có tài sản, dấu hiệu của tội “trộm cắp tài sản”.
- M và N đang bỏ chạy thì thấy K, Q, H đang chiếm đoạt xe đạp, nên “đổi ý”, quay lại để ngăn cản hành vi chiếm đoạt ấy, nhưng bị ba tên này đánh trả để chiếm đoạt cho bằng được tài sản. Hành vi dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản, một dạng hành vi của “tội cướp tài sản”.
Trong thực tiễn hiện nay, tôi nghĩ rằng những tình huống tương tự như thế này là không ít, và khi nó “xuất hiện” thì quả là điều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định “mục đích chiếm đoạt tài sản” của người phạm tội. Xác định chính xác thời điểm xuất hiện mục đích ấy lại càng khó. Chúng ta sẽ dựa vào hành vi của người phạm tội để xác định mục đích chiếm đoạt, nhưng xác định nó xuất hiện khi nào trong một số trường hợp lại có ý nghĩa quan trọng để định tội danh, tình huống trên đây là một ví dụ điển hình. Xác định sai thì có thể người phạm tội sẽ gánh lấy trách nhiệm pháp lý nặng nề so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà họ đã thực hiện, hoặc có lúc nhẹ hơn rất nhiều so với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi mà họ đã thực hiện. Việc xác định đúng các dấu hiệu này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cụ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Các cơ quan này thực hiện chức năng của mình thông qua những con người cụ thể với những quyền hạn nhất định để điều tra, truy tố và xét xử để làm sáng tỏ vụ án. Vì thế để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của bị can, bị cáo đối với những trường hợp “khó xử” như thế này, tôi cho rằng họ phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, và đặc biệt là đề cao tinh thần “xác định đúng sự thật của vụ án”, hạn chế tối đa sự suy diễn trong quá trình thực hiện quyền năng của mình.

Trên đây là những quan điểm của tôi trong định tội danh đối với tình huống này, rất có thể còn có những sai xót, vì thế nếu có rất mong nhận được sự góp ý chân thành từ phía độc giả.


LÊ NHẬT BẢO
https://tuvanluat.forumvi.net

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà Admin

Back to topMessage [Page 1 of 1]

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết mới cùng chuyên mục

      Quyền hạn của bạn:

      You cannot reply to topics in this forum